Tiếng chuông chỉ rõ Tính nghe

Khi bấy giờ, Đức Như Lai bảo ông La Hầu La đánh một tiếng chuông, rồi hỏi ông A Nan rằng: "Ông có nghe chăng?"

Ông A Nan và đại chúng đều nói: "Có nghe"

Chuông hết ngân, không tiếng, Phật lại hỏi rằng: "Ông có nghe chăng?"

A Nan và đại chúng đều đáp: "Không nghe"

Khi đó, La Hầu La đánh một tiếng, Phật lại hỏi rằng: "Ông có nghe chăng?"

A Nan và đại chúng đều nói: "Có nghe"

Phật hỏi A Nan: "Thế nào thì có nghe, còn thế nào thì không nghe?"

A Nan và đại chúng bạch Phật: "Tiếng chuông nếu đánh lên, thì chúng con được nghe; đánh lâu tiếng hết, tăm vang đều không còn, thì gọi là không nghe"

Như Lai lại bảo La Hầu La đánh chuông, rồi bảo A Nan rằng: "Theo ông bây giờ có tiếng không?"

A Nan và đại chúng đều nói: "Có tiếng"

Ít lâu tiếng dứt, Phật lại hỏi rằng: "Theo ông, bây giờ có tiếng không?"

A Nan và đại chúng đều đáp: "Không tiếng"

Lát sau, La Hầu La lại đánh chuông, Phật lại hỏi rằng: "Theo ông, bây giờ có tiếng không?"

A Nan và đại chúng bạch Phật: "Tiếng chuông nếu đánh lên, thì gọi là có tiếng; đánh lâu tiếng hết, tăm vang đều không còn, thì gọi là không tiếng"

Phật quở A Nan và đại chúng: "Hôm nay các ông sao nói trái ngược, lộn xộn như thế?"

Đại chúng và A Nan đồng thời bạch Phật: "Phật bảo chúng con trái ngược lộn xộn, là sao?"

Phật dạy:

"Ta hỏi ông về nghe, thì ông nói là nghe, ta hỏi về tiếng, thì nói là tiếng, chỉ cái nghe và cái tiếng mà trả lời không nhất định như thế, sao lại không gọi là trái ngược lộn xộn? A Nan, tiếng tiêu mất, không tăm vang, thì ông gọi là không nghe; nếu thật không nghe, thì tính nghe đã diệt rồi, giống như cây khô, khi tiếng chuông lại đánh lên, làm sao ông còn biết được. Biết có, biết không là tự cái tiếng hoặc không, hoặc có, đâu phải tính nghe kia vì đó mà có, mà không; nếu tính nghe thật là không, thì còn cái gì biết là không nữa.

Vậy nên A Nan, cái tiếng ở trong cái nghe tự có sinh, có diệt, không phải vì ông nghe cái tiếng sinh diệt, mà làm cho tính nghe của ông thành có, thành không. Ông còn lộn lạo, lầm cái tiếng làm cái nghe, lạ gì chẳng mê mờ, lấy cái thường làm cái đoạn. Tóm lại, ông không nên nói rằng rời các thứ động tĩnh, đóng mở, thông bít, thì cái nghe không có tánh.

Như người ngủ mê, nằm trên giường gối; trong nhà có người, trong lúc người kia ngủ, giã một cối gạo; người ấy trong chiêm bao nghe tiếng giã gạo, lầm thành vật khác, hoặc cho là đánh trống hoặc cho là đánh chuông. Tức trong chiêm bao người ấy cũng lấy làm lạ rằng sao tiếng chuông lại vang lên như cây, như đá. Khi chợt tỉnh lại, liền nghe tiếng chày, thì người ấy tự bảo người nhà rằng chính trong lúc chiêm bao, tôi đã lầm tiếng chày này là tiếng trống. A Nan! Người đó, trong chiêm bao, đâu nhớ những chuyện động tĩnh, đóng mở, thông bít; hình người kia tuy ngủ nhưng tánh nghe không mờ, dầu cho hình ông tiêu tan, thân mạng dời đổi diệt mất, làm sao tính nghe ấy lại vì ông mà tiêu diệt được.

Do các chúng sinh, từ vô thỉ đến nay, rong ruổi theo thanh sắc, theo niệm mà lưu chuyển, không hề khai ngộ bản tính thanh tịnh hằng thường; không theo cái thường, chỉ theo các thứ sinh diệt, do đó, đời đời bị tạp nhiễm mà phải lưu chuyển.

Nếu bỏ cái sinh diệt, giữ tính chân thường; cái sáng suốt chân thường hiện tiền, thì các tâm niệm căn, trần, thức. Ngay đó đều tiêu mất; tướng vọng tưởng là trần, tính phân biệt là cấu, hai cái đó đã xa rời, thì pháp nhãn của ông liền được trong suốt, làm sao lại không thành bậc vô thường chánh giác?".

Trích đoạn Kinh Lăng Nghiêm - Tâm Minh dịch